• slider
  • slider

Hình vị và từ ngữ pháp tiếng Hàn

Hình vị được định nghĩa là đơn vị ngôn ngữ có nghĩa nhỏ nhất trong thành phần từ, được thể hiện trong lời nói dưới dạng những hình tố cụ thể.

1. Hình vị (형태소):

 
Hình vị được định nghĩa là đơn vị ngôn ngữ có nghĩa nhỏ nhất trong thành phần từ, được thể hiện trong lời nói dưới dạng những hình tố cụ thể. Trong tiếng Việt, từ có thể bao gồm một hình vị như: vở, cửa, gạo..., hai hoặc ba hình vị như: công nhân, chiến lợi phẩm, bác sĩ... Hình vị có thể bao gồm trong nó một âm tiết như: bố, cháu... hoặc vài ba âm tiết như ở các trường hợp từ vay mượn tiếng nước ngoài: ra-đi-ô, tú-lơ-khơ...
 
Trong tiếng Hàn, hình vị được định nghĩa cũng tương tự như vậy: ““형태소는 의미를 가지는 언어 단위 중에서는 가장 작은 언어 단위이다”, có nghĩa là hình vị là đơn vị ngôn ngữ có ý nghĩa nhỏ nhất trong các đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, hình vị trong các ngôn ngữ khác nhau có thể không giống nhau. Do đặc điểm của loại hình chắp dính, nên hình vị trong tiếng Hàn có nhiều điểm khác với hình vị tiếng Việt. Đa số các hình vị trong tiếng Việt có tính độc lập cao, có thể trở thành những từ độc lập nhưng hình vị tiếng Hàn lại được phân chia rõ ràng ra thành các hình vị tự do và hình vị hạn chế. Đây là cách phân loại hình vị theo tiêu chuẩn có hay không tính độc lập (khả năng hoạt động độc lập) thường áp dụng trong các từ vựng tiếng Hàn hằng ngày trong câu.
 
Hình vị hạn chế là những hình vị không có khả năng tồn tại độc lập, bắt buộc phải kết hợp phụ thuộc với các hình vị khác khi tham gia hoạt động ngôn ngữ:  “의존형태소는 반드시 어떤 다른 형태소와 결합하여야만 문장에 쓰일수 있고 단어 행세도 할 수 있는 것이다”. Hình vị hạn chế có số lượng lớn trong tiếng Hàn, bao gồm cả những hình vị có ý nghĩa từ vựng cụ thể (như: 높- :cao; 크- : lớn; 읽- : đọc), chúng hình thành nên một hệ thống, đối lập lại với các hình vị tự do là những hình vị có khả năng trở thành từ, hoạt động độc lập trong câu “단독으로 단어가 될 수 있는 형태소” (ví dụ như: 사람 : người; 책 :sách...)
 
tài liệu học tiếng hàn cho người việt
Học ngữ pháp cơ bản tiếng Hàn
 
Căn cứ theo tiêu chuẩn ý nghĩa, hình vị tiếng Hàn cũng được phân chia thành hai loại: 
 
1) các hình vị từ vựng(lexical morphemes), là những hình vị biểu thị ý nghĩa từ vựng như: 사람: người; 하늘: bầu trời; 먹- : ăn; 푸르: xanh. 
 
2) các hình vị ngữ pháp (grammatical morphemes) như: -았/었-(thời quá khứ); - 아/어서(ý nghĩa liên kết câu nguyên nhân kết quả)... Tất cả các hình vị biểu thị

>> Xem thêm: Học tiếng Hàn ai nói khó?
 
Ý nghĩa ngữ pháp trong tiếng Hàn đều là các hình vị hạn chế, không có khả năng hoạt động độc lập. Đặc điểm này dẫn đến một khác biệt giữa tiếng Hàn và tiếng Việt là, nếu như trong tiếng Việt ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện ra bằng các từ độc lập (hư từ), thì trong tiếng Hàn ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện nhờ vào các hình vị phụ thuộc chắp dính vào sau các hình vị khác.
 
Ngược lại với các hình vị ngữ pháp, hình vị từ vựng trong tiếng Hàn, như trên đã đề cập, bao gồm cả các hình vị tự do và hình vị hạn chế, điều mà hầu như không thể thấy được trong tiếng Việt. Sở dĩ có như vậy là do, các hình vị biểu thị ý nghĩa từ vựng cho động từ và tính từ trong tiếng Hàn tất cả đều là hình vị hạn chế. Hay nói cách khác chúng chỉ được coi là động từ hay tính từ khi đằng sau các bộ phận biểu thị ý nghĩa từ vựng này đã có những đuôi từ ngữ pháp được chắp dính vào.
 

2. Căn tố và phụ tố phái sinh (어근과 파생접사)

 
a) Căn tố (어근):

Phần mang ý nghĩa sự vật, ý nghĩa từ vựng và là bộ phận trung tâm của từ, không bị thay đổi trong quá trình biến đổi hình thái cấu tạo của
 từ, không chứa bất kỳ phụ tố nào đây cũng là một trong những sự kết hợp trong câu tiếng Hàn. Có thể nói vắn tắt là phần còn lại của từ sau khi đã gạt bỏ tất cả các yếu tố cấu tạo từ (như phụ tố cấu tạo từ 파생접사) và biến đổi dạng thức từ (như đuôi từ ngữ pháp 어미). Ví dụ: 깨끗-, 조용-, 급- , 손,고기 trong 깨끗하다(sạch), 조용하다(yên lặng), 급하다(gấp, vội), 맨손(chỉ tay không), 날고기(thịt sống)... là các căn tố. Khác với căn tố tiếng Việt, có thể độc lập trở thành đơn vị từ, ở tiếng Hàn, căn tố là bộ phận trung tâm của từ, xung quanh nó có sự chắp dính thêm vào các phụ tố cấu tạo từ đem lại ý nghĩa mới cho từ, hay chuyển đổi từ về mặt từ loại.
 
tài liệu học tiếng hàn cho người việt
Chăm chỉ học tiếng Hàn
 
Nói cách khác, điểm khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hàn là: trong tiếng Việt căn tố hoạt động độc lập như từ được viết tách rời ra, trước và sau có dấu ngừng nghỉ, còn trong tiếng Hàn khái niệm căn tố là để đối lại với phụ tố (phái sinh), với một trong những phương pháp cấu tạo nên từ mới của tiếng Hàn là chắp dính trực tiếp các phụ tố (phái sinh) vào căn tố.
 
Có những trường hợp cho thấy căn tố của danh từ có thể hoạt động độc lập như từ giống như trong tiếng Việt, chẳng hạn như 손 (tay) là căn tố trong 맨손 (tay không), 고추 (ớt) là căn tố trong 풋고추 (ớt xanh), đồng thời khi ở bên ngoài cấu trúc từ ghép này, chúng cho thấy khả năng hoạt động độc lập như những từ căn tố “tay, ớt” trong tiếng Việt. Điều này có thể giải thích như sau: 
 
Thứ nhất, dù là căn tố “tay, ớt” có thể hoạt động độc lập như từ giống như trong tiếng Việt, nhưng chúng lại có điểm khác là khi xuất hiện trong câu hay cú thường xuất hiện chắp dính kèm theo chúng là những hình vị ngữ pháp biểu thị “cách” (biểu thị thành phần câu của từ). 
 
Thứ hai, khái niệm căn tố trong tiếng Hàn là dùng để chỉ một đơn vị thành phần trong lĩnh vực cấu tạo từ (ở đây là đơn vị có ý nghĩa từ vựng thực, làm trung tâm), nên khái niệm này chỉ xuất hiện trong cấu trúc từ ghép, đối lập lại với khái niệm phụ tố cấu tạo từ. Do đó, sẽ không dùng đến khái niệm căn tố trong những trường hợp mà căn tố có hình thái trùng với từ, không có phụ tố. 
 
Thứ ba, bên cạnh những căn tố của danh từ như trường hợp “tay, ớt” nêu trên, tất cả các căn tố của động từ, tính từ chiếm số lượng lớn trong từ vựng tiếng Hàn không có khả năng hoạt động độc lập, chúng chỉ có ý nghĩa thực nhưng là các hình vị hạn chế, như trường hợp 깨끗-, 조용- trong 깨끗하다(sạch), 조용하다(yên lặng). Những căn tố này chỉ trở thành từ hoạt động độc lập khi chúng đã hoàn chỉnh và được chắp dính với những đuôi từ ngữ pháp.
 
b) Phụ tố phái sinh (파생접사):
 
Phụ tố trong tiếng Hàn được định nghĩa là : “접사는 단어의 중심부, 즉어근이나 어간에 붙여 의미를 더하거나 자격을 바꾸는 주변부의 기능을
하는 형식형태소이다” dịch theo tiếng Việt thành: “phụ tố trong tiếng Hàn là hình vị hư (empty morpheme) làm thành phần phụ gắn vào xung quanh thành phần chính của từ như căn tố hay thân từ để bổ sung thêm ý nghĩa từ vựng hay thay đổi tính chất (ngữ pháp) cho từ”.
 
Theo đó, phụ tố đại thể được chia thành hai loại là: phụ tố cấu tạo từ (hay còn gọi là phụ tố phái sinh, derivational affix) kết hợp vào căn tố (hay từ) để tạo nên một từ mới và phụ tố ngữ pháp (hay còn gọi là phụ tố biến đổi dạng thức, inflectional affix) đảm nhận việc biến đổi các dạng thức ngữ pháp cho từ.
 
Căn cứ theo vị trí được sắp xếp trong từ, so với bộ phận trung tâm của từ (căn tố, thân từ), phụ tố cũng được phân ra thành các tiền tố (prefix) và hậu tố (suffix). Trong tiếng Hàn không có trung tố (infix). Đồng thời, các phụ tố phái sinh cấu tạo từ, có cả tiền tố và hậu tố (tức là có cả phụ tố phái sinh được chắp dính ở phía trước lẫn phụ tố phái sinh chắp dính vào phía sau của căn tố) nhưng các phụ tố biến đổi dạng thức thì chỉ có hậu tố (tức là phụ tố biến đổi dạng thức duy nhất chỉ phân bố sau thân từ), do đó còn được gọi là đuôi từ (thành phần sau của từ).
 
tài liệu học tiếng hàn cho người việt
Rèn luyện học tiếng Hàn
 
Tiêu chuẩn để có thể nhận biết một hình vị là phụ tố phái sinh hay căn tố gồm có các yếu tố như sau:
 
1) Có khả năng cấu tạo từ, đem lại ý nghĩa mới cho từ, căn tố. Ví dụ: [먹-](ăn) + [-이] (phụ tố danh từ hoá động từ, tính từ) = [먹이](cái ăn). Tuy nhiên ý nghĩa của phụ tố khác với căn tố, không phải là ý nghĩa thực, rõ ràng mà là ý nghĩa hư, không cụ thể. ý nghĩa này, khi kết hợp với phụ tố có thể bổ sung thêm hay giới hạn cho ý nghĩa của phụ tố về mặt từ vựng. Ví dụ:
 
-개: chỉ dụng cụ, đồ dùng đơn giản: 덮개(cái nắp đậy), 지우개(cái tẩy, cái giẻ lau), 따개(cái mở nắp)...
 
-맨: đơn thuần chỉ là mỗi cái đó: 맨손(chỉ tay không), 맨발(chân không)...
 
2) Có tính phụ thuộc: Về mặt hình thái, phụ tố không có khả năng hoạt động độc lập. Chỉ đi theo, chắp dính vào bộ phận trung tâm của từ (căn tố, từ) để bổ sung thêm ý nghĩa cho căn tố (từ), hoặc chuyển đổi thuộc tính ngữ pháp hay chuyển đổi về mặt chức năng cú pháp của căn tố (từ) đó. Ví dụ:
 
-개 trong 지우개(cái tẩy, cái khăn lau), 덮개(cái nắp, vung)
 
-기 trong 크기(bề rộng, độ lớn), 밝기 (độ sáng)
 
-히 trong 먹히다 (bị ăn, được ăn)
 
-이 trong 먹이다 (cho ăn)
 
là các phụ tố có tính chất của hình vị hạn chế (phụ thuộc), không thể tồn riêng biệt một mình.
 
3) Về mặt chức năng, phụ tố có khả năng tạo ra những biến hoá chuyển đổi về phạm trù cú pháp cho từ. Ví dụ: như chuyển đổi động từ thành danh từ:
 
먹- :ăn + -이→ 먹이: cái ăn; danh từ thành tính từ: 바보: đứa ngốc, đồ ngốc + -스럽 → 바보스럽다: ngốc nghếch...; chuyển từ từ dạng chủ động sang bị động: 잡다: bắt + -히→ 잡히다: bị bắt.
 
4) Phụ tố có tính chất hạn chế trong phân bố (xuất hiện ở các cấu trúc từ). Chẳng hạn phụ tố danh từ hoá động từ -이 hay –음, -기 ở ví dụ dưới đây cho thấy rằng không phải đối với tất cả các căn tố động từ là nó có thể kết hợp được.
 
Nguồn: Internet
Học Tiếng Hàn